Báo cáo mức độ sẵn sàng kỹ năng số Việt Nam vừa được PwC công bố đã chỉ ra nhiều điểm thú vị về mức độ tiếp nhận kỹ năng số của nhân lực đất nước.
Theo Chỉ số Đổi mới sáng tạo Toàn cầu (GII) năm 2020, Việt Nam duy trì vị trí thứ 42 trong hai năm liên tiếp. Việt Nam đã có sự cải thiện trong hạng mục Hiểu biết kinh doanh (hạng 39) và tụt hạng trong các chỉ số liên quan đến Nguồn nhân lực và Nghiên cứu phát triển (hạng 79), Đầu ra về kiến thức và công nghệ (hạng 37).
Mặc dù Việt Nam đã nhấn mạnh trọng tâm vào cải cách chính sách Công nghiệp 4.0, nhưng về kỹ năng kỹ thuật số của lực lượng lao động, Việt Nam đã tụt 4 bậc xuống vị trí thứ 96 trong Chỉ số Năng lực Cạnh tranh Nhân tài Toàn cầu năm 2020 (GTCI).
Việt Nam đã đạt được bước tiến lớn trong việc thúc đẩy chuyển đối số trong cuộc cách mạng 4.0, tuy nhiên, phía trước vẫn còn nhiều điều phải làm.
Bà Đinh Thị Quỳnh Vân, Tổng Giám đốc PwC Việt Nam cho rằng, "Khi nói đến chuyển đối số, mọi người thường nhắc nhiều đến công nghệ, về đầu tư như thế nào. Song ở một khía cạnh khác cũng rất quan trọng đó là yếu tố con người, kỹ năng số của lực lượng lao động". Bà cho rằng, đây là yếu tố tiên quyết quyết định mức độ sẵn sàng chuyển đổi số của một đất nước.
Báo cáo mức độ sẵn sàng kỹ năng số Việt Nam vừa được PwC công bố đã chỉ ra nhiều điểm thú vị về mức độ tiếp nhận kỹ năng số của nhân lực đất nước.
Theo kết quả khảo sát của PwC, 83% người Việt Nam tham gia khảo sát cho rằng công việc của họ sẽ thay đổi trong vòng 3-5 năm tới, và tỷ lệ này cao hơn, ở mức 90% người được hỏi khi xét về trung hạn (6-10 năm).
Nhận thức về thay đổi mà công nghệ mang lại cũng song hành với sự lạc quan, khi 90% người được hỏi tin rằng sự phát triển của công nghệ sẽ cải thiện triển vọng việc làm của họ trong tương lai. Chỉ số này cao hơn nhiều so với con số 60% ghi nhận được ở cấp đọ toàn cầu trong một khảo sát tương tự về "Nâng cao kỹ năng nguồn nhân lực" toàn cầu được PwC thực hiện năm 2019.
Báo cáo cũng ghi nhận 45% người Việt tham gia khảo sát bày tỏ lo ngại về vấn đề đảm bảo việc làm do tự động hóa.
Kết quả khảo sát của PwC cho thấy người Việt khá lạc quan đối với việc công nghệ tác động lên công việc trong tương lai |
Bà Đinh Thị Quỳnh Vân, Tổng Giám đốc PwC Việt Nam cho biết: "Khi các doanh nghiệp muốn đẩy nhanh phát triển công nghệ, cần lưu ý ở từng giai đoạn, yếu tố con người đều đóng vai trò quan trọng. Việc ưu tiên nâng cấp hay đầu tư công nghệ có thể diễn ra nhanh chóng, tuy nhiên sẽ cần những nỗ lực dài hạn, liên tục để trang bị và trau dồi cho nhân viên những kỹ năng cần thiết trong tương lai. Những nỗ lực này sẽ không chỉ tạo điều kiện phát triển nguồn nhân lực, mà còn là nội lực mạnh mẽ cho tăng trưởng doanh nghiệp khi kỷ nguyên số đang mang đến nhiều thay đổi".
Kết quả khảo sát cho thấy có tới 93% đã và đang học các kỹ năng mới để hiểu rõ hơn hoặc sử dụng công nghệ tốt hơn. Các kỹ năng liên quan tới kỹ thuật số được chú trọng, với 43% người chia sẻ nguyện vọng trở nên thành thạo hơn trong việc học và tiếp thu các công nghệ mới và 34% muốn phát triển kỹ năng chuyên sâu hơn với một công nghệ cụ thể.
55% người được hỏi nhận thấy việc nâng cao kỹ năng là trách nhiệm của mỗi cá nhân. Tỷ lệ này một lần nữa phản ánh mong muốn học tập mạnh mẽ và chủ động của người Việt Nam. Tuy nhiên, điều đó có nghĩa là 45% còn lại, họ vẫn cần sự hỗ trợ từ Chính phủ, doanh nghiệp.
Ông Võ Tấn Long - Phó Tổng Giám đốc phụ trách tư vấn công nghệ của PwC Việt Nam nhấn mạnh vai trò của văn hóa doanh nghiệp, tạo ra môi trường để người lao động nâng cao tính chủ động học hỏi, đổi mới sáng tạo. Ngoài việc hướng dẫn, doanh nghiệp cần tạo ra quy trình nghiệp vụ để khuyến khích điều này.
Về vấn đề chuyển đổi số trong doanh nghiệp, Phó TGĐ PwC Việt Nam chia sẻ thêm, thực tế các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay tìm lãnh đạo phụ trách chuyển đổi số còn gặp khá nhiều khó khăn. Do đó, các chính sách phát triển và thu hút người tài cần được chú trọng, trong đó bao gồm cả các chính sách đối với các chuyên gia nước ngoài, người Việt ở nước ngoài...
Thu Thủy
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị