Chính sách ban hành để hỗ trợ sản xuất kinh doanh vượt qua đại dịch Covid-19 đã bộc lộ những bất cập và cần phải điều chỉnh phù hợp với “trạng thái bình thường mới”.
Doanh nghiệp trụ được vì còn “thóc giống để ăn”
Trải qua hơn 1 năm ứng phó với đại dịch Covid-19 đã khẳng định những thành công trong việc thực hiện mục tiêu kép nhờ sự phản ứng nhanh, linh hoạt và quyết liệt của Chính phủ với hàng loạt các giải pháp nhanh và mạnh. “Các chính sách hỗ trợ và sự đồng hành của Chính phủ trong bối cảnh Covid được các doanh nghiệp đánh giá cao nhất là các chính sách tài khoá như việc giãn, hoãn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập, tiền thuê đất, các chính sách nới lỏng về tín dụng của các ngân hàng. Các chính sách này đã tạo điều kiện thuận lợi cho rất nhiều doanh nghiệp ổn định, duy trì, hồi phục và tiếp tục phát triển”, bà Phạm Thị Hồng Thủy - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc phát biểu.
Năm 2020 cũng là năm ghi dấu sự kiên cường của cộng đồng doanh nghiệp để vượt lên hoàn cảnh khó khăn. Nhưng sức chịu đựng của doanh nghiệp cũng đã tới hạn và những chính sách mạnh mẽ và khẩn cấp đã ban hành và quá trình thực thi các chính sách đó cũng đã bộc lộ nhiều bất cập. Theo khảo sát của VCCI, có tới 87,2% doanh nghiệp bị ảnh hưởng tiêu cực bởi Covid-19. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19,35% doanh nghiệp tư nhân trong nước, 22% doanh nghiệp FDI cho biết phải sa thải lao động và số lao động buộc phải nghỉ việc xấp xỉ 30%. “Năm 2020, doanh nghiệp vẫn trụ được vì còn “có thóc giống để ăn” nhưng năm 2021, 2022 còn đâu để bỏ”, bà Vũ Thị An - Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn thuế C&A cho biết.
Đại dịch Covid-19 đẩy nhiều doanh nghiệp vào cảnh khó khăn |
Ông Hoàng Quang Phòng – Phó Chủ tịch VCCI cũng chia sẻ: “Chúng tôi biết đã có những doanh nhân phải bán nhà, bán tài sản để duy trì hoạt động của doanh nghiệp, để giữ chân người lao động”. Tuy nhiên vị Phó chủ tịch VCCI đưa ra một tin mừng là Chính phủ đang tính toán tới những giải pháp và chính sách kích thích kinh tế nhằm tiếp sức doanh nghiệp vượt qua cơn bĩ cực hiện tại. Giới chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp cũng đã kiến nghị và mong chờ gói kích thích kinh tế mới, trạng thái bình thường mới cần phải có những chính sách mới. Trong đó đề nghị kéo dài thời hạn những giải pháp và chính sách đã ban hành trong năm 2020 như tiếp tục thực hiện miễn, giảm, gia hạn thời gian nộp thuế; giảm, gia hạn khoản đóng góp bảo hiểm xã hội, phí công đoàn…
Nhưng những chính sách đã ban hành cũng cần được nhìn nhận lại từ nội dung chính sách, điều kiện thụ hưởng chính sách, việc thực thi cũng như hiệu quả của chính sách để những giải pháp, chính sách mới ban hành thực sự có hiệu quả, mang lại tác động như mong đợi.
Nói đến những bất cập của chính sách hỗ trợ hiện nay, bà Phạm Thị Hồng Thủy - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc; ông Nguyễn Hữu Thập - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Tuyên Quang và ông Nguyễn Mạnh Thản – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Phú Thọ đều cho rằng, trong gói hỗ trợ “chưa từng có tiền lệ” đưa ra năm 2020 vẫn chưa đáp ứng được mong muốn của doanh nghiệp. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp không được hưởng lợi chính sách hỗ trợ người lao động, chính sách này đỏi hỏi nhiều điều kiện đi kèm quá khó và quá chặt chẽ.
Miễn phí công đoàn, giảm đóng bảo hiểm
Để hỗ trợ doanh nghiệp thiết thực, hiệu quả, doanh nghiệp kiến nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam miễn 2% kinh phí công đoàn trong thời gian dịch bệnh; các ngân hàng tiếp tục xem xét, cơ cấu lại thời gian trả nợ, giảm lãi suất cho vay 1,5-2% cho tất cả các gói cho vay và điều kiện, thủ tục cho vay cần đơn giản hơn, tài sản thế chấp linh hoạt hơn. Đồng thời là giảm thuế giá trị gia tăng trong 3-5 năm để doanh nghiệp tăng vốn tích lũy, tái đầu tư sau dịch; giảm thuế thu nhập doanh nghiệp về mức 13-15%; giảm tiền thuê đất trong 2 năm…
Còn theo ông Lê Đình Quảng - Phó trưởng Ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), chính sách sắp tới cần hỗ trợ người lao động khó khăn phải thuê nhà, có con nhỏ; hỗ trợ đào tạo kỹ năng cho người lao động từ nguồn quỹ bảo hiểm thất nghiệp… Đặc biệt, thời điểm này đủ điều kiện thực tiễn để kiến nghị Quốc hội miễn, giảm tỷ lệ đóng bảo hiểm thất nghiệp (hiện người lao động đóng 1%, doanh nghiệp đóng 1%), bởi quỹ hiện đang kết dư hơn 80.000 tỷ đồng.
Đồng thời cùng với việc ban hành chính sách thì doanh nghiệp mong muốn các bộ, ngành, địa phương có hướng dẫn cụ thể, chi tiết, đầy đủ về các thủ tục, quy trình thực hiện theo hướng đơn giản, dễ thực hiện.
Phía doanh nghiệp cũng thấy rằng dư địa cho các giải pháp về thuế, phí, hỗ trợ tiếp cận tín dụng… không nhiều vì những giới hạn ngân sách và doanh nghiệp nhưng có những sự hỗ trợ chỉ cần bằng hành động đó là tháo gỡ các nút thắt về thủ tục hành chính để cải thiện môi trường kinh doanh hơn nữa. Bên cạnh đó, doanh nghiệp đề nghị cần những giải pháp có tính lâu dài hơn và nên chăng cần áp dụng thêm một số biện pháp mà các quốc gia khác đang áp dụng như hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp duy trì được tỷ lệ người lao động cao, xây dựng chính sách phát triển công nghiệp, dịch vụ theo hướng bớt lệ thuộc vào nguồn cung bên ngoài, giảm tình trạng gia công kéo dài quá lâu. Đồng thời cần có chính sách hỗ trợ theo hướng tạo thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp tư nhân Việt trụ lại được và có khả năng vượt lên sau dịch Covid-19, đặc biệt về đổi mới sáng tạo, đào tạo nhân lực chất lượng cao.
“Không cần nhiều nghị quyết, hô khẩu hiệu nữa. Nước nghèo, doanh nghiệp không hy vọng nhiều, nhưng mong nhất Chính phủ, các bộ, ngành “thương” doanh nghiệp thật bằng việc rà soát, loại bỏ các thủ tục để DN hiểu và làm ngay, thay vì kéo dài 5-7 tháng doanh nghiệp vẫn chưa tiếp cận được chính sách hỗ trợ”, bà Vũ Thị An phát biểu.
Trước những phản ánh về những bất cập của chính sách đã ban hành và những kỳ vọng, nhưng tâm tư, nguyện vọng và kiến nghị đầy tâm huyết về chính sách kích thích kinh tế mới mà các doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp kiến nghị, ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng ban Pháp chế của VCCI chốt lại rằng “Doanh nghiệp cần các hỗ trợ cụ thể, trực tiếp, hữu ích hơn là những chính sách “bóng bẩy”, khó thực hiện”.
Tri Nhân