Mua, bán nhà “ba chung” - Nguy cơ tiềm ẩn
Tình trạng mua bán nhà “ba chung” (chung thửa đất, chung giấy phép xây dựng, chung sổ hồng) xuất hiện ngày nhiều ở TPHCM, kéo theo đó là nguy cơ phát sinh tranh chấp, khiếu nại phức tạp.
Nguy cơ mất trắng vì mua nhà "ba chung"
Tại Quận 12, nhiều hộ dân sinh sống ở khu phố 3, phường Thạnh Xuân đang thấp thỏm như "ngồi trên đống lửa" vì có nguy cơ bị cưỡng chế, tháo dỡ khu nhà đang ở. Họ đã làm đơn khiếu nại gửi các cơ quan chức năng.
Ông Vương Đắc Khánh, một người dân cho biết, khu nhà ở của các hộ dân tại đây được bà Tô Cẩm Thuý xây dựng từ năm 2017 trên thửa đất số 514, tờ bản đồ số 34. Tại thời điểm đó, UBND Quận 12 đã cấp giấy phép xây dựng số 7049 cho bà Thuý để xây nhà ở trên diện tích 238,14 m2. Giấy phép này cho xây một căn nhà, nhưng bà Thuý đã chia ra làm nhiều căn nhà nhỏ (nhà ba chung) trên diện tích đất này, sau đó bán cho các hộ dân dưới dạng lập vi bằng.
Khu nhà ba chung của các hộ dân ở khu phố 3, phường Thạnh Xuân, Quận 12 |
Đến tháng 10/2019, UBND TPHCM ban hành quyết định số 3959 xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng đối với bà Tô Cẩm Thuý. Tiếp đến, tháng 12/2020, Phòng Quản lý đô thị Quận 12 gửi thư mời các hộ dân họp bàn về quyết định cưỡng chế công trình, cho biết phần công trình vi phạm phải tháo dỡ vào tháng 1/2021. Đáng nói, dù đã bán nhà cho các hộ dân, nhưng bà Tô Cẩm Thuý lại tiếp tục bán thửa đất trên cho một người khác. Như vậy, sổ đỏ hiện nay của khu đất đã được sang tên cho chủ mới, còn bà Tô Cẩm Thuý đã cắt đứt mọi liên lạc.
Ông Vương Đắc Khánh cho biết, bỏ ra số tiền lớn để mua nhà nhưng đến nay không thể sở hữu tài sản một cách hợp pháp, gia đình ông rất khổ sở: "Chúng tôi không có pháp lý là nhà thuộc sở hữu của mình để công an cho chuyển hộ khẩu. Tại vì chính thức không phải là tài sản của chúng tôi mà được Nhà nước công nhận để công an cấp số nhà. Bây giờ số nhà là tạm để giao dịch thôi, chứ hiện tại sổ tạm trú vẫn ghi là nhà không số".
Cùng chung cảnh ngộ, bà Nguyễn Thị Ngọc Thảo cho biết, bản thân mình và nhiều hộ dân tại đây là lao động thu nhập thấp, rất khó khăn mới mua được nhà. Lợi dụng sự thiếu hiểu biết, thiếu thông tin, các cá nhân và tổ chức bán nhà vi phạm trật tự xây dựng cho người dân, đẩy họ tới tình cảnh lo lắng vì nguy cơ mất trắng tài sản lớn mà cả đời tích góp được. Đáng nói là việc xây dựng diễn ra ngay sát UBND phường Thạnh Xuân nhưng ngay từ đầu, cơ quan chức năng không ngăn chặn vi phạm triệt để.
"Chính quyền địa phương sát bên mà khi chúng tôi mua nhà, người ta xây rành rành như thế. Tôi lên hỏi mà vẫn để yên cho xây, thì người dân nào mà không tin tưởng. Tôi mong muốn sự công bằng của Nhà nước, phải bảo vệ quyền lợi cho người lao động nghèo", bà Nguyễn Thị Ngọc Thảo nói.
Việc xây dựng dạng nhà "ba chung", tức xây nhà trên một diện tích đất lớn rồi phân chia ra từng căn nhà nhỏ vẫn diễn ra phức tạp ở Quận 12. Tại phường Thạnh Lộc, một dự án nhà ở đang được chủ đầu tư là Công ty Nhà Phố Việt Nam triển khai xây dựng ở mặt tiền đường Hà Huy Giáp, liền kề bến xe Ngã Tư Ga. Các trang mạng môi giới nhà đất giới thiệu dự án có tên One Palace gồm 63 căn nhà phố thương mại, diện tích từ 60 m2 đến 75 m2, tổng diện tích sàn xây dựng là 240 m2. Đơn vị phân phối dự án này quảng cáo giá mỗi căn từ 5,2 tỷ đồng, đã có pháp lý hoàn thiện.
Thế nhưng, UBND Quận 12 đã ban hành văn bản 954 năm 2021 khẳng định, qua rà soát trên địa bàn Quận 12 không có dự án One Palace Hà Huy Giáp. Tại khu vực này, UBND Quận 12 cấp giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ cho ông Lê Song Hiệp làm chủ đầu tư tại 10 thửa đất, ông Trần Văn Vinh làm chủ đầu tư 41 thửa đất, cùng thuộc tờ bản đồ số 31, phường Thạnh Lộc. Như vậy, tình trạng nhà xây dựng chung thửa đất, chung giấy phép xây dựng lại tiếp tục có nguy cơ tái diễn.
Cần địa phương siết chặt quản lý
Theo các chuyên gia, người mua nhà "ba chung" luôn có rủi ro là chủ nhà đem sổ đỏ đi thế chấp hoặc các cá nhân đồng sở hữu gặp rắc rối về pháp luật thì rất khó mua bán căn nhà. Pháp luật cho phép đồng sở hữu, không giới hạn bao nhiêu người được cùng đứng tên trên sổ đỏ. Các cơ quan quản lý cũng không thể cấm vì pháp luật cho phép, không quy định mỗi người được sử dụng bao nhiêu diện tích đất. Có điều, những căn nhà "ba chung" thường được giao dịch dưới hình thức lập vi bằng, đây là hình thức không được pháp luật thừa nhận có giá trị về mua bán nhà.
Dự án One Palace đang được xây dựng nhưng UBND Quận 12 khẳng định không có dự án này
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM cảnh báo, người dân cần thận trọng và tìm hiểu kỹ trước khi mua nhà "ba chung" để tránh rơi vào cảnh "tiền mất, tật mang", nhiều nguy cơ phát sinh khiếu nại, tranh chấp: "Chúng tôi đề nghị bà con hết sức lưu ý, những hoạt động đó là không đúng pháp luật và quyền lợi của bà con sẽ bị ảnh hưởng. Thậm chí bà con có thể bị mất tiền mà không thể hợp pháp hoá được, có thể dẫn tới những tranh chấp sau này chúng ta không lường trước".
Để xử lý những vi phạm về trật tự xây dựng, đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa, Đoàn đại biểu TPHCM nhấn mạnh, cần xem xét mức độ từng hành vi mà có thể áp dụng biện pháp cứng rắn như khởi tố vụ án hình sự. Có như vậy mới mang lại tính răn đe cao; còn hiện nay hoạt động của các lực lượng như công an, xây dựng, tài nguyên môi trường vẫn còn rời rạc.
"Cần cải cách và chấn chỉnh lại các lực lượng thi hành công tác hành chính nhà nước trong lĩnh vực xây dựng. Phường xã, quận huyện là sát sườn nhất với người dân, đất đai trên địa bàn, ông Trương Trọng Nghĩa nêu ý kiến.
Để chấm dứt tình trạng vi phạm trật tự xây dựng, trong đó có mua bán nhà "ba chung", cần sự vào cuộc quyết liệt, sát sao của chính quyền địa phương. Vi phạm về xây dựng phải được ngăn chặn triệt để ngay từ đầu, nếu không sẽ đẩy cái khó và rủi ro về phía người dân./.
Duy Phương
Theo VOV
Đăng nhận xét